17 giờ 15 phút, bầu trời mùa đông đã tối mịt. 18 giờ 30 phút, các trường mầm non công lập đã cửa đóng then cài thì tại một số trường mầm non tư thục vẫn sáng đèn, rộn ràng tiếng nói cười của trẻ.

Nhà giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý. Khi nhắc đến cụm từ “cô giáo mầm non”, không ít người hay hình dung ra những “nàng thơ”, cô ngồi vui chơi, hát, múa, kể chuyện… cùng các cháu. Tuy nhiên, không mấy người thấu hiểu về nỗi vất vả, nhọc nhằn, nhưng đồng lượng bèo bọt của giáo viên mầm non tư thục.

giao-vien-mam-non-tu-thuc

“Giáo viên mầm non tư thục vất vả hơn giáo viên mầm non công lập gấp bội lần, bị vắt kiệt sức, bộn bề vất vả, chồng chất thiệt thòi”- Mi, một cô giáo mầm non tư thục ở TP.Quảng Ngãi chua chát nói về cái nghề chất chứa nhiều nỗi niềm.

Giờ làm việc của cô giáo Mi và các cô giáo ở trường đều đặn bắt đầu từ lúc 6 giờ 15 phút, khởi động bằng việc quét dọn, lau chùi phòng học sạch sẽ, chuẩn bị bữa ăn sáng để đón trẻ và kết thúc lúc 18 giờ hoặc 18 giờ 30, tùy từng hôm. Một ngày như mọi ngày, cô giáo phải hóa thân nhiều vai vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là bảo mẫu, vừa là diễn viên.

Tất cả những công việc như: dỗ cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, quà vặt, thuốc men phụ huynh nhờ cô cho ăn, cho uống; thu dọn bàn ghế, chén, bát, nôn ói, đại tiện, tiểu tiện, lau nhà; cho các cháu tập thể dục, chơi trò chơi, tập tô, tập vẽ, tập hát, tập múa, đọc thơ, kể chuyện, trải chăn dỗ bé ngủ… cứ lặp đi lặp lại trong một căn phòng.

Vì áp lực thành tích, nhiều trường tư thục, trẻ 3 tuổi đã học chữ càng gây áp lực cho giáo viên. Lớp không có bảo mẫu, nhân viên phục vụ chỉ lau dọn hành lang, trong phòng học giáo viên phải tự vệ sinh. Cho nên lúc nào cũng thấy các cô tối tăm mặt mũi.

Chưa hết, cô giáo còn phải chịu áp lực từ nhiều phía. Các cháu không tăng cân sẽ bị phụ huynh phàn nàn. Còn nếu nhỡ các cháu xô xát, trầy xướt, không ít phụ huynh chửi bới, lăng mạ, thậm chí “mách” với hiệu trưởng kiểm điểm, trừ lương.

Thiên hạ thường bảo nhau, nghề nào mà chả vất vả, nhưng quả thực giáo viên mầm non là một nghề vô cùng cực nhọc, áp lực mà lương bổng bọt bèo.

Ở các trường mầm non tư thục, thường thỏa thuận 3 mức lương. Giáo viên tốt nghiệp trung cấp 2,5 triệu đồng, cao đẳng 2,8 triệu đồng và đại học 3,3 triệu đồng. Hợp đồng thỏa thuận sẽ tăng lương theo quy định của nhà nước, nhưng có giáo viên gắn bó với trường đã 5 năm, đồng lương vẫn giậm chân tại chỗ. Lương đã thế, tiền thưởng các ngày lễ, tết, giáo viên không tránh khỏi tâm trạng “tủi thân”.

“Tết âm lịch, mỗi người được thưởng 500 nghìn đồng, còn những ngày lễ khác, thì rất hiếm. Bữa trưa các cô tự phân công nhau vào bếp để nấu cơm trưa. Tôi yêu trường, yêu lớp, yêu các em nhỏ, nhưng có ai sống được với mức lương ấy trong thời buổi vật giá leo thang từng ngày?”- cô Mi ngậm ngùi.

Sau 3 năm gắn bó với nghề, Mi đành bỏ nghề chuyển sang mở tiệm buôn bán quần áo, vì mức lương quá thấp và áp lực nặng nề.

Ở trường con tôi học, là một ngôi trường mầm non tư thục có thể gọi là “vip” nhất tỉnh, nơi có mức học phí cao ngất ngưỡng, từ 1,5- 2,2 triệu đồng/cháu/tháng và những dịch vụ tiện ích khác như giữ cháu ngoài giờ, đưa đón cháu tận nhà.

Không ít người “ví von” đó là trường chỉ dành cho con nhà giàu. Nhưng thực tế, hầu hết phụ huynh phải “thắt lưng, buộc bụng” gửi con vào đây vì không có điều kiện đón cháu đúng giờ như ở các trường công lập.

Những tưởng với mức học phí như thế, cô giáo sẽ được trả lương “hậu hĩnh” để an tâm cống hiến. Nào ngờ, giáo viên thường xuyên bỏ việc vì lương thấp.

Con tôi học ở đây đã 3 năm, không nhớ rõ bao lần lớp cháu thay cô giáo. Phụ huynh chúng tôi vẫn hay phàn nàn thay giáo viên như thay áo. Có khi tôi chưa kịp hỏi tên cô giáo mới, hôm sau đã thấy bảo mẫu hoặc cô giáo khác thay thế, thậm chí, một tháng thay đến vài cô.

Chuyện cô giáo bỏ nghề cũng là điều dễ hiểu. Đi sớm, về trễ cộng với việc mức lương quá thấp trong thời buổi “bão” giá tiêu dùng, cùng với áp lực từ nhiều phía nên nhiều cô đã không chịu nổi áp lực mà đã từ bỏ nghề.

Thương cô giáo bị vắt kiệt sức, phụ huynh chúng tôi tự phân công nhau phụ huynh nào đến trước sẽ đón các cháu xuống sân trường vui chơi, chờ bố mẹ đến đón để cô giáo được về sớm hơn.

Khi các trường mầm non công lập đã cửa đóng then cài thì tại một số trường mầm non tư thục vẫn sáng đèn, rộn ràng tiếng nói cười của trẻ. Cô giáo và học sinh tay xách nách mang ngồi ghế đá chờ phụ huynh khi bầu trời đã tối mịt hoặc phải đưa cháu về tận nhà là hình ảnh thường thấy ở các ngôi trường này.

Theo: Baoquangngai.com.vn